Kiến Guru gửi đến các bạn tham khảo phân tích bài Vợ chồng A Phủ để nắm cụ thể hơn nội dung của tác phẩm. Bài hướng dẫn dưới đây sẽ thể hiện rõ sức sống tiềm tàng của Mị và phân tích nhân vật A Phủ rõ nét nhất cũng như những tư tưởng và giá trị nội dung tác giả muốn truyền tải. Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhiều hơn trong quá trình học và ôn luyện nhé.
I. Tìm hiểu chung để phân tích bài Vợ chồng A Phủ
1. Tác giả
- Tô Hoài (1920-2014) sinh ra tại Hà Đông nay là Hà Nội.
Tác giả Tô Hoài (1920-2014)
- Là nhà văn có lối viết hóm hỉnh và có sở trường viết truyện hồi kí và phong tục.
- Ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật.
Tham khảo thêm: Tác giả Tô Hoài
Tiếp thu toàn bộ kiến thức Ngữ Văn 12 với Lớp Văn Cô Tuyền
2. Tác phẩm
- Vợ chồng A Phủ được in trong tập Truyện Tây Bắc.
- Tác phẩm là bức tranh phản ánh rõ nét sự thống khổ của đồng bào Tây Bắc dưới sự kìm kẹp của bọn thực dân Pháp và ca ngợi vẻ đẹp con người nơi đây.
II. Phân tích bài Vợ chồng A Phủ chi tiết
1. Xuất thân của Mị và A Phủ
- Mị xuất thân là một cô gái người dân tộc Mông, duyên dáng, xinh đẹp và tài giỏi, có đời sống nội tâm phong phú, khát vọng tự do lớn lao và sức sống tiềm tàng của Mị đáng ngưỡng mộ. Vì gia cảnh nghèo khó nên cô đã phải tủi nhục làm dâu gạt nợ cho gia đình Thống lí Pá tra.
- A Phủ cũng là chàng trai người dân tộc Mông, chàng mang nhiều phẩm chất đẹp của người lao động, thể hiện tính cách gan góc, dũng cảm, và cũng mang trong mình khát vọng tự do mãnh liệt.
2.Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng của Mị
- Trước khi Mị làm con dâu gạt nợ:
+ Mị là cô gái trẻ trung, xinh đẹp, hồn nhiên, và thổi sáo rất hay.
+ Mị cũng đã từng biết yêu và luôn khao khát sống có gia vị tình yêu.
+ Mị cũng rất hiếu thảo, siêng năng, chăm chỉ, Mị ý thức được tầm quan trọng của cuộc sống tự do vì thế nàng sẵn sàng chịu vất vả làm nương ngô để cố gắng trả nợ thay cho bố.
- Từ khi Mị trở thành con dâu gạt nợ:
+ Nguyên nhân: xuất phát từ món nợ truyền kiếp bởi hủ tục cướp vợ của người Mông đem về để cúng trình ma. Người lao động bị kìm kẹp, chèn ép bởi cả cường quyền và thần quyền.
+ Mị phải chịu đựng những đày đọa, khổ đau về thể xác: Mị phải làm việc không còn biết ngày đêm, không gian hay thời gian nữa; làm từ sáng đến đêm mọi công việc “không bằng con trâu con ngựa”; dù làm nhiều đến thế nhưng vẫn bị đánh đập man rợ: bị trói, đạp vào mặt, ...
+ Mị dần quen với những tủi nhục, khổ đau đó và trở nên chai sạn: từ một cô gái vui vẻ, hồn nhiên, bây giờ lúc nào cũng “mặt buồn rười rượi”, cuộc sống tù túng quanh bốn bức tường, qua khung cửa sổ chỉ thấy một màu trăng trắng không biết là sương hay là nắng, sống lầm lũi “như con rùa nuôi trong xó cửa”, chuỗi ngày cứ thế lặp đi lặp lại nên “ở lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi”.
+ Trong đêm hội mùa xuân, Mị khao khát được là chính Mị, sống đúng với lứa tuổi xuân của mình và sức sống của Mị bắt đầu trỗi dậy:
• Âm thanh nhộn nhịp của thế giới ngoài kia (tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình,...) tất cả đã đánh thức tâm hồn Mị, gợi nhớ tới những kỉ niệm trong quá khứ.
• Mị bỗng khác hẳn, “thấy phơi phới trở lại”, “Mị còn trẻ lắm...”, bùng lên trong Mị niềm khát khao tự do mãnh liệt, thắp sáng lên căn phòng tối tăm thường ngày, Mị muốn “đi chơi tết” như bao người ở tuổi Mị và để chấm dứt sự tù đày khốn khổ này.
• Khi bị A Sử trói lại không cho đi chơi, lòng Mị vẫn lửng lơ, bay bổng theo tiếng sáo ngoài kia, tiếng hát của tình yêu đến những đám chơi. Nhưng rồi lúc vùng dậy cô chợt tỉnh và trở về với hiện thực.
=> Ở Mị ẩn chứa tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, sức sống ấy vẫn ở đó và luôn âm ỉ trong lòng người con gái Tây Bắc mạnh mẽ ấy, chỉ chờ có cơ hội là bùng lên mạnh mẽ mà thôi.
+ Hành động cởi trói cho A Phủ:
• Ban đầu Mị xuất hiện với thái độ dửng dưng bởi sau đêm tình mùa xuân, cô trở lại như một cái xác không hồn.
Mị cởi trói cho A Phủ
• Nhưng khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ chảy dài thì Mị lại thấy thương, thấy đồng cảm và chợt nhớ đến hoàn cảnh của chính mình ngày đó trong quá khứ, Mị lại thương mình rồi thương cho những kiếp người bị đày đọa như A Phủ “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, ... phải chết”.
• Mị không thể ngó lơ trước tội ác dã man của nhà thống lí, Mị đã cắt dây đay để cởi trói cho A Phủ. Sau hành động quả quyết, đầy táo bạo ấy Mị sợ cái chết, Mị sợ nhà thống lí nên Mị không thể tiếp tục ở lại đây thêm nữa, cô quyết định chạy theo A Phủ để tìm lối thoát, tìm sự sống cho cuộc đời mình.
=> Mị là người con gái mạnh mẽ, giàu ý chí và tình cảm, hành động của Mị đã đạp đổ ách cường quyền, thần quyền đày đọa của bè lũ thống trị miền núi.
3. A Phủ đại diện cho số phận đau thương nhưng giàu sức sống, tình cảm và khát vọng
- Hoàn cảnh:
+ Mồ côi cả cha lẫn mẹ, không còn người thân thích bên mình.
+ Lớn lên chàng đi làm thuê làm mướn rồi sau đó trở thành người ở để gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
- Khi trở thành người ở gạt nợ cho nhà thống lí:
+ Nguyên nhân: A Phủ đánh con quan, và sau khi thua cuộc trong vụ xử kiện quái gở tại một xã hội không công lý thì chàng phải chịu lẽ phạt lấy thân gạt nợ.
+ A Phủ chịu sự đày đọa về mặt thể chất:
• Phải làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm: “đốt rừng, cày nương, săn bò tót,...”
• Bị hành hạ và đối xử tệ bạc không bằng một con bò, có lần chàng làm mất bò mà bị trói đứng đến chết.
+ Tích cách:
• Lúc nhỏ chàng sống mạnh mẽ, ngang bướng: khi bị bán xuống cánh đồng thấp lại trốn lên núi cao.
• Khi trưởng thành lại là chàng trai khỏe mạnh, siêng năng, chăm chỉ, tháo vát, làm đủ mọi công việc.
• Là người luôn đấu tranh cho lẽ phải (đánh A Sử), khao khát tự do (nén đau để vùng chạy khi được cắt dây trói).
=> Qua phân tích nhân vật A Phủ ta thấy chàng điển hình cho chân dung chàng trai miền núi Tây Bắc khỏe khoắn, mạnh mẽ; tuy mang số phận đau thương dưới ách thống trị kìm kẹp nhưng giàu sức sống, tình cảm và khát vọng.
Xem thêm:
III. Tổng kết phần phân tích bài Vợ chồng A Phủ
1. Giá trị nội dung
- Tác phẩm ẩn chứa nhiều giá trị nhân đạo sâu sắc: sự cảm thông của tác giả với số phận khổ đau, cùng cực của những con người phải chịu sự áp bức, lên án tố cáo bọn thống trị miền núi, bọn thực dân man rợ và đồng thời ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt, tiềm tàng trong mỗi con người Tây Bắc.
2. Giá trị nghệ thuật
- Tình huống truyện được xây dựng cuốn hút, đặc sắc, gay cấn.
- Hình tượng nhân vật được khắc họa sinh động, có cá tính riêng.
- Nghệ thuật trần thuật cùng giọng kể trầm lắng, đầy cảm thông.
- Ngôn ngữ được chọn lọc, sáng tạo vừa lãng mạn vừa giàu tính tạo hình.
Với những hướng dẫn chi tiết về cách thức và nội dung phân tích bài Vợ chồng A Phủ như trên sẽ cho bạn cái nhìn tổng quát về nội dung tác phẩm và nắm được những ý chính của bài. Hy vọng Kiến Guru sẽ là nguồn tham khảo quen thuộc và tin cậy của các bạn không chỉ bài phân tích này mà còn nhiều tác phẩm khác trong chương trình học của mình nhé.