Đối với nhiều bố mẹ, tuổi dậy thì của con trai là một giai đoạn tâm lý khủng hoảng mà bất kì ai cũng muốn nó trôi qua thật nhanh. Rất nhiều trạng thái tâm lý, biểu hiện lạ mà bạn sẽ chưa từng thấy ở con. Vậy bạn đã biết cách dạy con trai tuổi dậy thì đúng cách để con phát triển thật tốt, không lệch lạc chưa? Hãy cùng Kiến Guru tìm hiểu nhé.
Giai đoạn chuyển giao giữa một cậu bé và một người đàn ông là những năm quan trọng nhất đối với sự phát triển của nam giới. Con trai của bạn lúc này không còn là những cậu bé nữa, nhưng cũng chưa đủ chín chắn, trưởng thành để đưa ra những quyết định chính xác. Các cậu bé lúc này đã là những chàng trai trẻ đang cố gắng để lớn lên thật nhanh.
Đôi khi, con sẽ biểu hiện như chúng cần không gian riêng tư nhiều hơn, ngày càng rời xa bố mẹ hơn, nhưng thực tế là con đang cần sự quan tâm và định hướng của bạn hơn bao giờ hết. So với những năm đầu đời, bạn càng cần phải dành cho con nhiều thời gian, nhưng bằng những cách khéo léo hơn, không làm con cảm thấy bị kèm cặp quá mức.
Ba mẹ có thể cùng chơi những trò mà con thích, dù có thể đó là những thứ bạn chưa từng tiếp xúc, nhưng hãy học cách chơi cùng con: Chơi game, chơi cờ, trò chuyện về vấn đề hot trên mạng, đi đâu đó với con, chỉ cần gần gũi con nhiều hơn. Con bạn sẽ không còn là cậu con trai 13 hay 14 tuổi đó lâu nữa đâu, vì vậy hãy tận dụng thời gian vàng này để nuôi dạy con trở thành người đàn ông mà bạn muốn con trở thành khi trưởng thành.
Hãy dùng những cách dạy con trai tuổi dậy thì được các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới khuyến khích dưới đây thử nhé.
Hãy dạy con rằng, ngôn ngữ của một quý ông chính là: "Vâng dạ," "Cảm ơn" và "Xin lỗi."
Nếu một người đàn ông trẻ tuổi có thói quen sử dụng những cụm từ lịch sự này, người khác sẽ ấn tượng với anh ta như một quý ông lịch sự, khác hẳn so với những cậu trai nói chuyện cộc lốc khác. Hãy để ý cách con ứng xử khi đi ra những quán ăn, cách hỏi và trả lời với những người phục vụ mình sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ lịch sự của con. Hãy nhắc nhở con luôn nhìn thẳng vào nhân viên phục vụ để gọi đồ ăn và nói “Cảm ơn” khi nhận được đồ ăn của mình. Nếu con cần vào nhà vệ sinh, hãy dạy con: “Dạ, nhà vệ sinh ở đâu vậy ạ.” và “Cảm ơn” khi được chỉ dẫn.
Hãy dạy cho trẻ biết mỗi lời con nói ra sẽ là đại diện cho phẩm giá của bản thân, gia đình và bố mẹ. Muốn con có thể cư xử đúng mực, trò chuyện lịch sự thì bản thân bạn cũng cần phải làm gương cho bé ngay từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên, con sẽ cư xử lịch sự như thói quen và bản chất chứ không phải là vì bị ép buộc.
Nhiều bố mẹ tìm cách dạy con trai tuổi dậy thì nhưng lại quên mất phải dạy con cần đối xử nhẹ nhàng, lịch sự với tất cả phụ nữ. Đó gọi là Ga lăng.
Đây là một khái niệm có từ xưa cũ, nhưng không phải ai cũng làm được, kể cả những người đàn ông trưởng thành. Ga lăng có nghĩa là, "thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt đối với phụ nữ." Một người đàn ông lịch thiệp luôn đối xử với phụ nữ lớn tuổi tôn trọng như mẹ ruột của mình, đối xử với các bé gái dịu dàng như con gái của mình, và đối xử với những cô nàng chân thành như em gái của mình. Một cậu bé tuổi teen có cách cư xử lịch thiệp sẽ chắc chắn sẽ luôn nổi bật trong số bạn bè cùng trang lứa.
Bạn có thể dạy con cách cư xử lịch thiệp, đầu tiên là với mẹ mình, bằng những hành động nhỏ như sau: luôn mở cửa cho mẹ, đi trước khi xuống cầu thang, đi sau khi lên cầu thang, luôn đi hướng ngoài cùng xe chạy khi băng qua đường, kéo ghế khi vào quán ăn...v.v. Có thể rất nhiều người cảm thấy kì lạ khi đây là những hành động mà các bạn nam dành cho các bạn nữ. Nhưng hãy dạy cho con hiểu rằng, tất cả những người phụ nữ đều xứng đáng được đối xử tử tế, trước nhất là mẹ ruột.
Nếu như con có dấu hiệu nói chuyện cộc cằn, cáu gắt với mẹ. Hãy tìm một thời điểm thích hợp để giải thích cho con hiểu là không nên nói chuyện với bất kì người phụ nữ nào như vậy vì đó là không lịch sự. Và chắc chắn cậu con trai đang tuổi dậy thì của bạn sẽ không muốn mình trở thành một người đàn ông ứng xử kém.
Nếu bạn để ý thì có rất nhiều bé khi còn nhỏ rất tự tin khi giới thiệu mình với mọi người, những khi dậy thì lại dần thu mình lại, tỏ ra ngại ngùng hơn khi đến nơi đông người. Tâm lý này là điều dễ hiểu khi ở độ tuổi trưởng thành, con dần nhận thức được những người vấn đề xung quanh, tiếp xúc với nhiều người thành công và con sẽ có xu hướng nghĩ mình thua kém, kém tự tin hơn.
Hãy tập cho con cách luôn chủ động chào hỏi tất cả mọi người và giới thiệu bản thân mình nếu đến đâu đó, hoặc gặp ai lần đầu. Ngoài vấn đề về lễ nghĩa thì đây cũng là cách để con khẳng định bản thân, tự tin trước đám đông và tạo ấn tượng tốt với mọi người. Nếu con quên hoặc ngại ngùng khi giới thiệu mình thì hãy nhắc nhở con.
Tới tuổi dậy thì, các con đã quá quen với tâm lý của bố mẹ. Lúc này con trai bạn đã biết bạn sẽ phản ứng như thế nào trước mỗi mong muốn của trẻ. Tuy nhiên ở độ tuổi này, con sẽ có nhiều mong muốn và sở thích mới lạ hơn, có thể bạn sẽ không thích những điều này, nhưng thay vì ra sức ra quát mắng hoặc cố gắng khuyên bảo con thì hãy học cách lắng nghe con nhiều hơn. Nói ít, nghe nhiều.
Bằng cách này thì bạn cho con thấy được bạn cũng cùng con trưởng thành, bạn luôn là người bạn đầy tâm lý có thể lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng của con chứ không phải “bố mẹ không hiểu gì” hay “bố mẹ luôn áp đặt” như những gì các bé tuổi dậy thì hay nghĩ.
Có thể là bạn thật sự không hiểu được vì sao con lại có suy nghĩ đó, nhưng hãy cố gắng học cách để thấu hiểu con. Nếu một giây phút nào đó bạn không hiểu con mà cũng không cố gắng thì đó sẽ là sự bắt đầu của những hiểu lầm chồng chất.
Cách bạn lắng nghe con cũng là làm gương để con học cách lắng nghe người khác. Ngay cả người lớn đôi khi cũng không thể làm được điều này, đặc biệt là trong một xã hội mà ai cũng muốn khẳng định ý kiến của riêng mình. Có thể mất cả đời để học cách lắng nghe nhưng bạn có thể dạy cho con từ nhỏ, rèn luyện cho con là rèn luyện cho chính bản thân mình.
Giai đoạn dậy thì là thời gian mà cả con cái lẫn bố mẹ đều phải rất cố gắng để có thể vượt qua. Cậu con trai yêu thương của bạn đang phải đấu tranh rất nhiều để hiểu rõ được bản thân mình, mục tiêu và người mà con muốn trưởng thành. Bố mẹ cũng phải đánh vật rất nhiều để có thể thấu hiểu được tâm lý bất ổn của con trong giai đoạn này. Tuy vất vả nhưng hãy luôn đồng hành cùng con vì đây là lúc con cần sự giúp đỡ của bố mẹ nhiều nhất.
Kiến Guru hi vọng với những cách dạy con trai tuổi dậy thì mà chúng tôi vừa chia sẻ, bạn đã có thêm kiến thức và niềm tin để cùng con vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này.